Quảng Ninh được ca ngợi như một “Việt Nam thu nhỏ”. Mùa hạ, nhiều người tìm tới Quảng Ninh để hạ nhiệt với biển ở Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô… Mùa thu đông, những nơi có đồi núi lại trở thành điểm đến cho những chuyến du lịch kết hợp vừa khám phá, vừa nghỉ ngơi của các gia đình.
“Mỹ cảnh nhân gian” khiến fan xê dịch không thể ngồi yên
Cùng với lúa chín vàng ở vùng núi Tây Bắc thì tỉnh ở Đông Bắc cũng vào mùa lau đẹp không kém. Những ngày này, lướt khắp mạng xã hội, không ít lần ta phải “khựng lại” trước những bức ảnh, thước phim ghi lại con đường sống lưng khủng long uốn lượn trên các đỉnh núi với hai bên là cỏ lau cao quá đầu, đung đưa theo gió tựa như tiên cảnh.
Và nơi có thể chứng kiến “mỹ cảnh nhân gian” ấy chính là Bình Liêu – một huyện biên giới của Quảng Ninh. Bình Liêu có 43,168km đường biên giới giáp với Trung Quốc. Phía Bắc giáp với huyện Ninh Minh (TP Sùng Tả) và khu Phòng Thành (TP Phòng Thành) của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Phía Nam giáp với huyện Tiên Yên, Đầm Hà, phía Đông giáp với huyện Hải Hà (Quảng Ninh) và phía Tây giáp với Lạng Sơn.
Cho đến thời điểm hiện tại, giao thông ở tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là khá hoàn thiện và vẫn tiếp tục được nâng cấp. Do đó, dù là huyện biên giới nhưng để di chuyển tới Bình Liêu không quá khó khăn. Trước kia, nơi này nổi tiếng chỉ dành cho những “phượt thủ” thì giờ đây, các gia đình chỉ cần có một “tài xế” vững tay là có thể chinh phục được những đoạn đường xuyên núi.
Bình Liêu nằm cách Hà Nội khoảng 270km, cách thành phố Hạ Long khoảng 130km. Để tới đây, du khách có thể chọn đi xe limousine với tần suất khoảng 1 tiếng/chuyến từ Hà Nội. Sẽ tốn chừng 3h50 phút là tới trung tâm huyện Bình Liêu.
Trong khi đó, nhiều gia đình cũng chọn phương án tự chạy xe. Từ Hà Nội, chạy xe theo hướng vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, sau đó ở nút giao cao tốc rẽ sang hướng Hải Phòng – Hạ Long, hướng vào cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đi theo Quốc lộ 18C là tới Bình Liêu.
Những hành trình không thể bỏ qua khi tới Bình Liêu
Cung đường cột mốc biên giới
Một “đặc sản” của Bình Liêu chính là những cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh thổ, cũng là niềm tự hào của người dân cả nước. Cung đường chinh phục các cột mốc biên giới cũng là cung đường tuần tra của bộ đội biên phòng, kéo dài hơn 50km. Do đó lúc nào cũng được giữ sạch sẽ, đường không quá lắt léo khó đi, song, sẽ được băng qua những ngọn núi trùng điệp, ngắm nhìn khung cảnh nên thơ của mảnh đất biên cương.
Có 4 cột mốc Việt – Trung không nên bỏ lỡ ở Bình Liêu là cột mốc số 1300, 1302, 1305 và 1327. Nhiều người lựa chọn đi bộ để lên 1 trong 4 cột mốc, song, cũng có nhiều du khách chọn thuê xe máy chạy dọc cung đường để có thể tới thăm cả 4 cột mốc. Về hành trình khám phá, du khách có thể xin tư vấn của bộ đội biên phòng để chọn được cung đường thích hợp.
Từ trung tâm Bình Liêu, muốn tới cột mốc 1300, 1302 du khách nên chạy xe theo hướng quốc lộ 18, hướng đi Hoành Mô, rẽ vào bản Ngàn Chuồng theo hướng mốc 61 và di chuyển thêm chừng 8km đường mòn. Cột mốc 1327 nằm trên địa phận bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn. Đường đi từ trung tâm huyện tới cột mốc 1327 cũng là con đường đi qua khá nhiều cột mốc biên giới khác.
Chinh phục “sống lưng khủng long”
Trong hành trình chinh phục các cột mốc biên giới, 1305 được nhiều người lựa chọn hơn cả. Bởi đây cũng chính là cung đường có “sống lưng khủng long” huyền thoại và cũng là cột mốc cao nhất ở tỉnh Quảng Ninh. Nhiều người còn ví đoạn đường này như “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam bởi độ dài, độ dốc cũng như sự hoang sơ của nó.
Đứng ở nơi này, ta như nhỏ bé lại trước thiên nhiên bao la. Thu vào tầm mắt toàn cảnh Bình Liêu, với những cánh đồng lau sậy cùng núi non xanh thẳm hay xa xa có cả các bản làng chìm trong ruộng bậc thang nên thơ.
Ẩm thực Bình Liêu
Bình Liêu là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa, Kinh… Bởi vậy, ẩm thực nơi đây cũng là sự giao thoa của văn hóa các dân tộc. Tới đây, du khách có thể thưởng thức các đặc sản như: Gà đen, phở xào, miến dong, bánh coóc-mò, bánh tài lồng ệp…
1. Gà đen Bình Liêu
Gà đen Bình Liêu, còn được gọi là gà Mông đen, gà xương đen hay gà Mèo… là giống gà có nguồn gốc từ giống gà của người H’mông. Gà đen ở đây Liêu có thể chế biến thành nhiều món ăn món ăn ngon ở Bình Liêu và lạ miệng như: gà luộc, gà hấp, gà kho, nhưng ngon nhất và xứng đáng được gọi là đặc sản Bình Liêu thì phải là món gà nướng quét mật ong rừng.
2. Cá suối Bình Liêu
Cá suối không phải là món ăn quá đặc biệt và hầu như ở vùng nông thôn nào cũng có thể tìm thấy loại cá này. Cá suối có nhiều loại với nhiều kích thước và loài khác nhau, nhưng chủ yếu chúng là loài ăn cỏ, rong rêu hoặc sinh vật phù du, giáp xác nhỏ. Chính vì thế thịt cá suối chắc, thơm và ngon, không tanh, ruột sạch và đặc biệt, món ăn ngon ở Bình Liêu này vô cùng thơm ngon khi ăn nóng.
Cá suối Bình Liêu khi được chiên với dầu hoa sở sẽ có màu vàng ươm bắt mắt, thịt cá thơm ngon, cuốn cá với lá lốt, thêm chút rau sống và chấm với tương, chút xì dầu mù tạt thì không còn gì bằng – đây là món ăn đặc sản Bình Liêu không thể bỏ qua với dân nhậu và khách du lịch Bình Liêu mùa này.
3. Trám đen Bình Liêu
Trám đen là loài cây thân mộc, sống lâu năm (có thể trên trăm năm) và mỗi năm chỉ ra một mùa , tháng 2 có hoa, tháng 7, 8 chín quả. Quả trám đen có hình thoi, khi chín vỏ quả có màu tím đen.
Trám đen có thể được dùng để nấu ăn, tạo ra vị bùi, thơm ngậy và góp phần tạp nên những món ăn ngon ở Bình Liêu vô cùng dân dã trong bữa cơm. Trám đen có thể khó ăn với nhiều người, nhưng khi đã quen, chắc chắn bạn sẽ “nghiện” loại đặc sản Bình Liêu đặc biệt này.
4. Bánh tài lồng ệp
Món bánh đặc sản Bình Liêu này có nhiều tên gọi khác nhau, như “tày nồng ệp, bánh tổ, bánh cấu hay xì lồng cấu“. Loại bánh này vốn là đặc sản của người Sán Dìu ở Quảng Ninh, vừa là món ăn ngon ở Bình Liêu, là món quà, ăn vặt dân dã, vừa được sử dụng trong những dịp cúng lễ của Bình Liêu.
Để có thể thưởng thức được món đặc sản Bình Liêu này, người làm cần thực hiện rất nhiều công đoạn cầu kỳ và cẩn thận với nhiều loại nguyên liệu đa dạng, được lựa chọn một cách kỹ càng.
Hãy cùng TM Travel đến nơi đây để trải nghiệm và khám phá nhé!
TM TRAVEL – TRỌN KHOẢNH KHẮC – THỎA ĐAM MÊ