Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp các sở, ngành, các địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh có những nghiên cứu hết sức căn cơ và thực sự nghiêm túc trong đánh giá nguồn tài nguyên du lịch.
Sau 30 năm được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (tháng 12/1994), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được bảo tồn nguyên trạng. Từ khi có danh hiệu quốc tế, vịnh Hạ Long đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng của địa phương dù mới khai thác được một phần nhỏ giá trị tài nguyên du lịch.
Ông V.K.Cường, Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã cho biết chặng đường tiếp theo để phát triển vịnh Hạ Long hài hòa giữa bảo tồn di sản và lợi ích kinh tế.
Ông cho biết “Kể từ năm 1994, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên, cho tới nay đã trải qua một quá trình 30 năm với nhiều thăng trầm. Những kết quả nổi bật mà chúng tôi đánh giá, đúc kết lại sau 30 năm: Thứ nhất, đó là chúng ta đã hết sức nỗ lực, cố gắng trong việc hoàn thiện các thể chế, quy định, quy chế quản lý và bảo vệ di sản một cách tốt nhất; Thứ hai, chúng ta đã hoàn thiện được bộ máy tổ chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý di sản mà trực tiếp đó là Ban quản lý vịnh Hạ Long.
Từ chỗ chỉ có hơn chục con người từ khi thành lập vào năm 1995, tới nay chúng ta đã có một đội ngũ hơn 300 cán bộ, viên chức, người lao động, ngày càng được tôi luyện thử thách; được đào tạo với trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Điều quan trọng nhất, chúng ta đã lan tỏa được giá trị của di sản đến cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.
Trong mười năm nay, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận chúng ta chưa có nhiều đổi mới và cũng chưa khai thác được một cách tối đa những giá trị đặc sắc khác của vịnh Hạ Long.
Nhận thức được vấn đề này, Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp các sở, ngành, các địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh có những nghiên cứu hết sức căn cơ và thực sự nghiêm túc trong đánh giá nguồn tài nguyên du lịch. Việc phải thực hiện ngay là nâng cấp các sản phẩm du lịch đang có; tiếp đó là nghiên cứu để phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng lựa chọn những sản phẩm du lịch đẳng cấp phục vụ cho các dòng khách cao cấp, có chi trả cao nhất. Ví dụ sẽ khai thác hệ thống các hang động hiện nay còn đang bỏ ngỏ.
Thứ hai là hệ thống các bãi tắm, các vùng vui chơi giải trí ở những khu vực xa khu trung tâm và xa những khu mà có đông du khách”
Ông Cường cũng cho biết “Đây là di sản liên tỉnh đầu tiên ở đất nước Việt Nam được UNESCO công nhận. Nhiệm vụ là tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng trong việc xây dựng quy chế quản lý đối với di sản liên tỉnh này thế nào. Chúng tôi cũng đã chủ động làm việc với các cơ quan của thành phố Hải Phòng để cùng bàn và tham mưu cho 2 địa phương ban hành quy chế quản lý chung, xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, ban hành và tạo ra một cái cơ chế để quản lý di sản.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mời các chuyên gia của UNESCO, Văn phòng đại diện UNESCO Hà Nội xuống để tư vấn trong việc quản lý Di sản liên tỉnh mà lần đầu tiên chúng ta có ở Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn xác định công tác bảo tồn đặt lên hàng đầu, không vì phát triển kinh tế mà bỏ qua nhiệm vụ bảo tồn. Đây là quan điểm, nhận thức xuyên suốt trong cả quá trình và quản lý và bảo vệ di sản.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp để xây dựng quy hoạch về phát triển của vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà, đảm bảo xây dựng được một quy chế quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, đề xuất, kiến nghị đối với hai địa phương để làm sao đảm bảo được nhiệm vụ là vẫn có những cái hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở khu vực của di sản, nhưng phải đặt yếu tố bảo tồn phải đặt lên hàng đầu.”