Là một trong 19 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu của TP.Hồ Chí Minh, Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” không chỉ là nơi mua sắm, mà còn đóng góp vào việc tạo nên không gian văn hóa sinh động, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mang đặc trưng của miền sông nước.
Chợ hoa Tết mang đậm dấu ấn đặc trưng “Trên bến dưới thuyền” Tết Ất Tỵ năm 2025 đang diễn ra tại khu vực Bến Bình Đông, Quận 8, TP.Hồ Chí Minh và sẽ kéo dài đến hết ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp năm Giáp Thìn). Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 24/01.
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức liên tục vào các đêm 25, 26 và 27/01. Đặc biệt, đêm 27/01 sẽ có chương trình Đờn ca tài tử tại sân khấu chính và trên kênh Tàu Hủ. Đây là điểm nhấn thu hút đông đảo khán giả mộ điệu và du khách gần xa những năm qua.
Chợ hoa xuân năm nay có quy mô 689 điểm kinh doanh, bao gồm 634 gian hàng hoa kiểng và 55 gian hàng trái cây, rau củ, chợ hoa xuân. Một trong những điểm mới nổi bật là việc mở rộng và nâng cấp các tiểu cảnh trang trí, trong đó có tiểu cảnh “Không gian hoa Đà Lạt – Bản giao hưởng sắc màu” và “Con đường di sản văn hóa phi vật thể” của tỉnh Vĩnh Long.
Ngoài ra, tuyến đường Bến Bình Đông được đầu tư trang trí đèn nghệ thuật và các gian hàng phong phú hơn, như gian hàng trải nghiệm gói và nấu bánh tét, gian hàng ẩm thực, và Phố Ông Đồ – nơi khách có thể tham gia viết thư pháp hoặc mua tranh chữ ý nghĩa để đón Tết.
Bên cạnh đó, các hội thi sáng tạo như “Trang trí xe đạp hoa từ vật liệu tái chế” và “Nhà hoa” với chủ đề “Sắc xuân”, không chỉ tạo ra sân chơi sáng tạo mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Ngoài ra, các hội thi văn hóa – nghệ thuật cũng được tổ chức như: Hội thi viết thư pháp chữ Việt với chủ đề “Nét bút mừng xuân” lần thứ 2; Hội thi ảnh nghệ thuật, sáng tác ca khúc và bài vọng cổ với chủ đề “Du xuân Trên bến dưới thuyền”; Hội thi chích chòe đất hót múa đón xuân…
Quận 8 của TP.Hồ Chí Minh có đặc điểm nổi bật với chiều dài gấp 5,2 lần chiều rộng, được chia cắt bởi 36 kênh, rạch, tạo nên một mạng lưới giao thông thủy thuận tiện.
Cung đường thủy dài hơn 11,8 km từ kênh Tẻ qua kênh Đôi và sông Chợ Đệm, trong khi chiều rộng chỉ khoảng 2,2 km. Quận 8 sở hữu hệ thống bến cảng và kho tàng lớn nhất thành phố, cùng với 50 cây cầu lớn nhỏ, phục vụ giao thông và giao thương.
Trong thời kỳ chiến tranh, Quận 8 là vùng đệm quan trọng, thuận lợi cho các hoạt động du kích và tổ chức các căn cứ tấn công vào Sài Gòn. Sau chiến tranh, hệ thống kênh, rạch, cầu, đường đã không chỉ tạo ra cảnh quan sông nước độc đáo mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển giao thông và giao thương.
Đặc biệt, các tuyến kênh và bến cảng của Quận 8 đã tạo nên nét văn hóa “Trên bến dưới thuyền” rất riêng, đặc sắc của Sài Gòn.
Bến Bình Đông, nằm trên kênh Tàu Hủ, là cửa ngõ giao thông quan trọng, kết nối TP.Hồ Chí Minh với miền Tây Nam Bộ, từng là trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất của Chợ Lớn. Mặc dù giao thông thủy đã không còn là tuyến vận chuyển chính, Bến Bình Đông vẫn duy trì vai trò là điểm đến của các ghe, xuồng từ miền Tây như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng… để giao thương hàng hóa.
Nhằm khôi phục lại hoạt động giao thương sầm uất và tái hiện không khí buôn bán nhộn nhịp của Bến Bình Đông, từ năm 2013, UBND Quận 8 đã chỉ đạo tổ chức Hội hoa xuân và xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các thương nhân và nhà vườn miền Tây trưng bày và bán hoa kiểng, trái cây chưng Tết phục vụ nhu cầu Tết của người dân.
Đây là một hoạt động văn hóa độc đáo, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của Quận 8, góp phần làm phong phú thêm không gian “Trên bến dưới thuyền”, một nét đặc trưng của vùng đất này.
Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” Quận 8 ban đầu chỉ kéo dài khoảng 500m với 50 điểm kinh doanh và 30 ghe, tàu. Tuy nhiên, nhờ hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá, chợ hoa đã phát triển mạnh mẽ, thu hút hơn 500 nhà vườn và thương nhân từ nhiều tỉnh, thành như Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Định, Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh.
Quy mô chợ được mở rộng ra Phường 11 và Phường 14, kéo dài hơn 3km, trở thành điểm đến quen thuộc của người dân và du khách mỗi dịp Tết Nguyên Đán.
Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” thường diễn ra sớm và kéo dài nửa tháng trước Tết (từ 15 đến 30 tháng Chạp, hoặc từ 14 đến ngày 29 tháng Chạp) với mức tiêu thụ hàng hóa lớn. Điểm thu hút là hoa kiểng, trái cây do nông dân các tỉnh cung cấp, giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo.
Ngoài ra, các dịch vụ ăn uống, cho thuê nhà, bốc vác, shipper cũng phát triển, tạo nên sự thay đổi bộ mặt đô thị và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Nét nổi bật của Chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” là sự góp mặt của các tỉnh, thành được mệnh danh là “Vương quốc Hoa”, “thủ phủ trái cây” hội tụ về. Đó là không gian hoa đặc sắc của thành phố Đà Lạt, nhiều loài hoa khoe sắc của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; đặc biệt là những sản vật đến từ tỉnh Vĩnh Long…
Chợ thu hút trên 3 triệu du khách mỗi năm, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là điểm đến văn hóa của người dân và du khách. Ngoài các gian hàng hoa, trái cây chưng Tết, du khách còn tham gia các chương trình nghệ thuật, thưởng thức Đờn ca tài tử, trải nghiệm gói và nấu bánh tét, nhận câu đối Tết từ ông Đồ, và tham quan các sản phẩm đặc trưng vùng miền…
Từ năm 2021, Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” được đưa vào chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên của TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, ngoài các hoạt động thường có, thì tại khu vực sông nước này rộn ràng và đậm nét Nam Bộ hơn với sự xuất hiện của những chiếc ghe, thuyền xuôi ngược dọc theo các tuyến sông. Năm 2023, Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” vinh dự đạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo TP.Hồ Chí Minh, qua đó đã nâng tầm giá trị của Lễ hội Chợ hoa xuân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” Tết Ất Tỵ 2025 tiếp tục tạo nên một không gian sắc màu ấn tượng, khắc họa hình ảnh nhộn nhịp người mua, kẻ bán trên Bến Bình Đông, dưới dòng kênh Tàu Hủ quen thuộc. Những chiếc ghe, thuyền đầy hoa, cây kiểng khoe sắc rực rỡ, tạo nên một khung cảnh sống động, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước mỗi dịp Tết đến Xuân về giữa lòng thành phố.