Những ngày cận Tết Nguyên đán là khoảng thời gian rừng mai anh đào tại khu vực núi Langbiang (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) bung nở đẹp nhất.
Núi Langbiang là một cụm núi cao nằm cách thành phố Đà Lạt 12 km thuộc địa phận huyện Lạc Dương. Hai núi cao nhất tại đây là núi Bà cao 2.167 m và núi Ông cao 2.124 m so với mặt nước biển. Ngoài ra trong khu du lịch còn có ngọn đồi Ra-đa cao 1.929 m, ngọn đồi này cũng là một địa điểm quen thuộc đối với du khách. Nhìn từ trung tâm thành phố Đà Lạt có thể thấy núi Bà nằm bên trái, núi Ông nằm bên phải. Langbiang được ví như “nóc nhà” của Đà Lạt và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, nổi tiếng ở thành phố này.
Núi Langbiang ẩn chứa nhiều truyền thuyết khác nhau của các dân tộc, nhưng ấn tượng nhất là truyền thuyết về một tình yêu say đắm của chàng K’Lang và nàng H’Biang. Họ đã vượt qua các luật tục khắt khe của bộ tộc để được ở bên nhau trọn đời. Lang Biang còn là biểu tượng cho sự hòa hợp, thống nhất giữa các tộc dân vùng cao nguyên này.
“Chuyện tình Romeovà Juliet” trên cao nguyên
Lang Biang là một trong 3 dãy núi cao của Cao nguyên Lâm Viên, ngày nay không nằm trong địa phận thành phố, nhưng lịch sử của nó luôn gắn liền với lịch sử phát triển của Đà Lạt và đồng bào các dân tộc thiểu số của vùng cao nguyên nơi đây. Lang Biang là hai tên ghép từ câu chuyện của chàng K’Lang và nàng H’Biang theo truyền thuyết của dân tộc K’Ho . Chuyện kể rằng: Ngày xưa, vùng La Ngư Thượng tức Đà Lạt bây giờ đất đai phì nhiêu, cây cỏ tốt tươi, quanh năm khí hậu mát mẻ. Thuở ấy, các bộ tộc ít người còn sống riêng lẻ nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra những cuộc tranh chấp về lãnh địa và phong tục. Trên vùng Cao nguyên này có 2 bộ tộc mạnh nhất là Lát và Chil. Bộ tộc Lát có một tù trưởng khỏe mạnh, đẹp trai, giàu lòng thương người và có tài chinh phục thú rừng, đó là chàng K’Lang, nhưng đã 20 tuổi mà vẫn chưa có vợ vì không có một thiếu nữ nào trong buôn cảm thấy xứng đáng bắt chàng về làm chồng. Trong một lần vào rừng đi săn, khi đến thác Đankia thấy nàng H’Biang gặp nạn, chàng K’Lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói hung dữ. Từ đó, cả hai đã cảm mến, rồi họ đem lòng yêu nhau. Chỉ mấy lần trăng tròn, mà tin con gái của tù trưởng K’Zềnh thuộc bộ tộc Chil sẽ bắt chồng là tù trưởng của bộ tộc Lát đã được lan truyền tới các bộ tộc khác trong vùng. Thế nhưng, do giữa 2 bộ tộc có mối thù truyền kiếp nên H’Biang không thể lấy K’lang làm chồng. Để phản đối luật tục khắc khe của bộ tộc, nàng Biang đã tìm gặp chàng K’Lang rồi thề nguyền ở bên nhau trọn đời. Hai người ngồi lặng lẽ bên nhau trên đỉnh núi, hết ngày này sang tháng khác. Thế rồi, sau một đêm trời mưa to gió lớn cả hai đã qua đời. Cái chết của chàng K’Lang và nàng Biang khiến các bộ tộc đều xót thương, riêng tù trưởng K’Zềnh vô cùng hối hận, bèn đứng ra kêu gọi bộ tộc Lát, Chil, Sré hợp nhất thành dân tộc K’Ho, xóa bỏ mọi hiềm khích trước đây và cho phép con trai, con gái giữa các tộc được lấy nhau. Ngọn núi cao nơi chàng K’Lang và nàng H’Biang chết được đặt lên là Lang Biang, tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ đến hai người và tình yêu thủy chung của họ. Từ đó, mỗi năm các bộ tộc lại tụ họp về đây để cúng tế ăn trâu, uống rượu cần và đắp mộ cho hai người. Do đó, ngọn Lang Biang mỗi ngày một cao thêm và là biểu tượng cho sự hòa hợp, thống nhất giữa các tộc dân vùng cao nguyên này.
Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng: Để phản đối luật tục, hai người quyết tâm đến với nhau trở thành vợ chồng rồi đi đến một nơi trên đỉnh núi sinh sống. Khi H’Biang bị bệnh, K’lang tìm mọi cách chữa trị nhưng không khỏi. Chàng K’Lang đành quay về báo cho buôn làng tìm cách cứu nàng. Người dân của bộ tộc Chil đã lần theo dấu vết để truy sát K’Lang. Kết thúc câu chuyện, H’Biang chết do đỡ mũi tên có tẩm thuốc độc của buôn làng nhắm vào K’lang. Đau buồn khôn xiết, K’lang đã khóc rất nhiều, nước mắt chàng tuôn thành suối lớn, ngày nay gọi là Đa Nhim (suối khóc) và gục chết bên nàng.
Vào những ngày cận Tết, rừng mai anh đào tại khu vực núi Langbiang (Mộng Đào Nguyên – thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đang vào mùa đẹp nhất. Mộng Đào Nguyên cách trung tâm thị trấn Lạc Dương khoảng 5km, cách trung tâm TP Đà Lạt 15km. Để đến được đây, du khách phải vượt qua hơn 2km đường rừng quanh co, đất đá lởm chởm và dốc, tách biệt với sự ồn ào, sầm uất của phố thị, quyến rũ du khách bởi tiếng chim hót véo von, tiếng suối chảy róc rách, những ngôi nhà gỗ trên đồi và đặc biệt là những cây mai anh đào đang nở hoa hồng rực một vùng. Vì lẽ đó, rất nhiều người tìm đến đây để thưởng ngoạn.
Mai anh đào ở đây thường trút lá từ đầu tháng 10, bắt đầu trổ bông vào khoảng Tết Dương lịch và đẹp nhất vào cận Tết cổ truyền. Sau 2-3 tuần, hoa phai tàn, cây chuyển sang giai đoạn sinh trưởng mới. Sắc hồng mơ màng của những cánh mai anh đào khiến bất cứ ai cũng phải xao xuyến khi được chiêm ngưỡng. Mai anh đào sinh trưởng thành quần thể rộng lớn ở chân núi Langbiang từ những năm 1990. Có những gốc cây to, đường kính hàng chục cm.
Không chỉ tại núi rừng Langbiang, nhiều cung đường khác tại Lâm Đồng cũng được nhuộm hồng bởi mai anh đào.